Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2025 (Luật số 88/2025/QH15) đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 25/6/2025 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Theo đó, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2025 có một số điểm mới nổi bật như sau:
1. Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Bên cạnh việc quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm thì Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2025 bổ sung thêm một số lĩnh vực thời hiệu xử phạt là 02 năm, như: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2025 cũng bổ sung quy định Vi phạm hành chính về kiểm toán độc lập thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập; tăng thời hiệu xử phạt thêm 01 năm trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến.
2. Về xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025 đã bổ sung điều 18a, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường điện tử, theo đó:
Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện khi bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan; Việc thu thập, lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu phải bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực, an toàn, đúng mục đích, phạm vi theo quy định của pháp luật; Kết nối hệ thống, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước và giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Luật chỉ quy định chung thẩm quyền xử phạt của các chức danh, không quy định mức tiền phạt tối đa như Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020, mà giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên từng lĩnh vực.
Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2025 đã bổ sung nguyên tắc: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một chức danh là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.
Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
4. Xử phạt hành chính không lập biên bản
Luật năm 2025 đã tăng mức xử phạt tiền đối với trường hợp xử phạt không lập biên bản lên đến 1000.000đ (trước đây 500.000đ), đồng thời bổ sung trường hợp: Hành vi vi phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này, cũng thuôc trường hợp xử phạt không lập biên bản vi phạm hành chính.
5. Về lập biên bản vi phạm hành chính
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
6. Về xác minh tình tiết vi phạm hành chính
Luật sửa đổi một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2025 bổ sung quy định:
Người có thẩm quyền xử phạt tự mình hoặc người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính phân công, phối hợp thực hiện xác minh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh.
Bên cạnh người có thẩm quyền xử phạt thì Luật 2025 còn bổ sung người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.
7. Tăng thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị tang vật
Thời hạn tạm giữ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm giữ. (Trước đây Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tạm giữ chỉ 24 giờ).
8. Tăng thời gian gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2025 đã tăng thời gian gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành từ 02 ngày làm việc thành 03 ngày làm việc.
9. Chuyển vụ việc cho cơ quan tố tụng ở bất cứ giai đoạn nào nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm
Trong quá trình xem xét, xử lý vụ vi phạm, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải chuyển hồ sơ liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Quy định trước đây “khi xem xét vụ việc để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, ..”, được hiểu, việc chuyển cơ quan tố tụng chỉ thực hiện ở giai đoạn “xem xét quyết định xử phạt hành chính”, hay nói khác đi sau khi đã hoàn thiện hồ sơ, lập biên bản vi phạm hành chính.
10. Về tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Ngoài các lý do theo Luật cũ, với các quy định sửa đổi, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính có thể được thực hiện để xác định vi phạm hành chính. Đây là nội dung sửa đổi hết sức phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng trong rất nhiều vụ việc cần tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để chứng minh, làm rõ, xác định vi phạm hành chính.
Trường hợp người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện tạm giữ cùng thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính thì không phải lập biên bản tạm giữ (đây là quy định mới, giảm bớt thủ tục cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính)
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản;
Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
Đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
11. Bổ sung một số trường hợp không niêm phong tang vật tạm giữ
Hàng siêu trường, siêu trọng, hàng hóa khác không thể niêm phong theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa khác không thể niêm phong theo quy định của pháp luật.
12. Một số quy định chuyển tiếp
Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính đã được phát hiện và đang trong quá trình xem xét, xử lý mà cơ quan, chức danh có thẩm quyền đang xử lý vụ việc kết thúc hoạt động, thì cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ theo địa bàn, lĩnh vực tiếp tục xử lý vụ việc hoặc chuyển đến người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vi phạm hành chính đã có quyết định xử phạt, thì việc tổ chức thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính sẽ do cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ theo địa bàn, lĩnh vực tiếp tục thực hiện hoặc chuyển đến người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.