Quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Ngày 01/7/2025 Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó Về đối tượng áp dụng của Nghị định
Cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền của Chủ tịch UBND
Theo quy định, Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu (cấp xã) có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Giám đốc sở có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thẩm quyền của Quản lý thị trường
Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 30% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều khoản chuyển tiếp
Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành nghị định để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, thì việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh được thực hiện như sau:
Đối với chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mà không thay đổi tên gọi và nhiệm vụ, quyền hạn hoặc có sự thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn, thì tên gọi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh đó được áp dụng theo tên gọi, thẩm quyền tương ứng quy định tại Nghị định này cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế.
Đối với chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mà có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn đó có thẩm quyền xử phạt. Tên gọi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo tên gọi, thẩm quyền tương ứng quy định tại Nghị định này cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế.
Đối với chức danh chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này, thì thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định này cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025