Tăng cường thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý loài động vật hoang dã; Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và thực hiện tốt nội dung Công văn số 9298/BTNMT-BTĐD ngày 31/12/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
Ngày 04/01/2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Công văn số 49/UBND-NNTN về việc tăng cường thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã. Theo đó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau có ý kiến chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau triển khai nội dung văn bản nêu trên đến toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị biết, thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền để công chức và người lao động không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, các khu vực buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã và các hoạt động nuôi trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).