Cà Mau: Thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Trong những tháng đầu năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xăng dầu có lúc diễn biến phức tạp, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và sự phấn đấu của toàn thể công chức Cục Quản lý thị trường nên công tác Quản lý thị trường nhất là công tác đấu tranh phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước.
11 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT đã kiểm tra trên 900 vụ, phát hiện vi phạm hành chính hơn 500 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 6 tỷ đồng. Trong đó có 05 tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến hoạt động TMĐT, xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trên 2 tỷ đồng . Nổi bật là vụ phát hiện, kiểm tra, xử lý một hộ kinh doanh ở TP Cà Mau kinh doanh online bằng hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội, thu giữ 10 tấn hàng hóa là hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm quần, áo may sẵn, túi xách các loại, mỹ phẩm các loại...
Trong những năm tiếp theo, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ổn định; hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân; giá cả thị trường sẽ có biến động tùy vào nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng từng thời điểm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục xảy ra và diễn biến còn phức tạp; đặc biệt vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng cần được quan tâm, có biện pháp chủ động phòng ngừa, các trường hợp vi phạm phải được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, tạo sức răn đe, bảo vệ quyền lợi cho người dân, làm lành mạnh thị trường trong tình hình mới.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện đề án trong thời gian tới
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực quản lý, giám sát, đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bình ổn thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp lưu thông trong tình hình mới.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 (thực hiện theo Kế hoạch 888); tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, phân bón, các loại rau củ quả, gạo, thịt lợn, thuốc lá, đường cát, vật liệu xây dựng, sách giáo khoa, bánh kẹo, thực phẩm bao gói sẵn...
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cả, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như xăng dầu, lương thực, thực phẩm và mặt hàng vật vật liệu xây dựng cung ứng cho các công trình quan trọng đi qua tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền thông tin đầy đủ, kịp thời về các trường hợp vi phạm hành chính; cảnh báo cho người dân, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện cam kết không kinh doanh buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.